Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC 2009 - 2010


        SỞ GD-ĐT BÌNH ĐỊNH                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn                   Độc lập – Tự do – Hạnh  phúc
                      =oOo=                                                             ----------------

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC NĂM HỌC 2009-2010
Tổ  Ngữ Văn

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA TỔ:
1. Số lượng GV : 6 (3 nam, 3 nữ)

Stt
Họ và tên
C. danh
C/môn,
N.vụ
P.công GD
Kiêm  nhiệm
Ghi chú
1
Võ Công Trí
Tổ trưởng
Th.sĩ ;
GVG
12V, 12S-Đ, 12A
TKHĐ
TTrND, CN12V

2
Đỗ Em
Phó HT
Th.sĩ
GVDG
12L,12H, 12A1



3
Trần Hà Nam
GV
Th.sĩ GVDG
10V,10A, 12T, 12Si, 12A2

CN10V-A

4
Lê Thị Kim Tuyết
GV
ĐH, GVG
11V, 11T, 11A2.
CN 11V

5
Nguyễn Thị Thùy Dương
GV
ĐH
11A, 11S-Đ, 11H, 11Si


6
Nguyễn Thị Hồng Khánh
GV
ĐH
11L,11A1, 10T-L, 10H-Si, 10A1
CN10T-L


2. Thuận lợi:
- Trình độ chuyên môn khá, đều: 50% GV có trình độ thạc sĩ ; 66,7% GV đã đạt danh hiệu GVDG cấp tỉnh. Những GV trẻ  mới về trường vốn là những sinh viên giỏi ở trương ĐH
- Tuổi nghề bình quân là 16,1 năm (cao nhất 25 năm, thấp nhất 01 năm)
- Tất cả GV đều nhiệt tình trong công tác và có kỉ luật lao động tốt.
3. Khó khăn:
- Không có khó khăn gì đáng kể
           
II. NHỮNG CÔNG VIỆC VÀ BIỆN  PHÁP  THỰC HIỆN : 

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Clip: Khiêu vũ tại giải Thể thao liên trường

Tại Đại hội thể thao liên trường tháng 11 vừa qua, cô Nguyễn Thị Hồng Khánh, giáo viên trẻ của Tổ Văn đã tham gia tiết mục khiêu vũ và xuất sắc đạt giải Nhất khiêu vũ cùng với bạn nhảy là thầy Chung (Thể dục). Tổ Văn xin giới thiệu video clip tiết mục khiêu vũ Rhumba trong hội thi.
Cô Khánh trong bộ đầm trắng cùng bạn nhảy đã trình diễn những bước nhảy uyển chuyển, được nhiều khán giả tán thưởng.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Sáng tác của học sinh

Trên báo "Áo Trắng" số 27 ra ngày 1/7/2008 đã xuất hiện tên của hai học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn - Bình Định. Một người là nhân vật rất quen thuộc với anh em LSSF đến từ tập thể VK7 - black229 . Người khác là một em học sinh đến từ tập thể VK8 tên là Đào Thị Thanh Thuỷ. Blackrose xin được đưa ra đây tác phẩm của hai người để mọi người cùng thưởng thức. Rất mong là chúng ta sẽ còn được nhìn thấy nhiều tên tuổi của học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn trên các tạp chí, làm rạng danh trường chuyên.


HƠI ẤM TÌNH NGƯỜI
Đào Thị Thanh Thủy (VK8)


Ngồi giữa hàng rau, cô bé không ngớt mời khách nhưng đôi mắt trong veo vẫn chú ý tới góc chợ. Nơi ấy bốc lên một thứ mùi kinh tởm của rác rưởi.

Mùi mồ hôi và cống rãnh hòa quyện giữa cái nóng oi bức khiến ai đi ngang cũng nhăn mặt và bước vội vã hơn. Bà lão ngồi đó. Co ro. Khúm núm. Chiếc nón rách tươm che gần kín khuôn mặt, chỉ để lộ đôi môi nhợt nhạt và chiếc cằm xương xương.

Giữa không gian xô bồ, hỗn độn, bà như chết lặng. Thỉnh thoảng, đôi bàn tay chia sạm giơ lên, chới với như cố bám một vật vô hình nào đó. Vài người động lòng némvài đồng xu rồi nhanh chóng bước đi. đồng xu lăn trên mặt đất rồi nằm chết gí một chỗ, lạnh lùng, hờ hững. Bà cụ cúi đầu, đôi môi mấp máy cảm ơn. Bàn tay nhặt đồng xu trong lớp đất bụi rồi cẩn thận bỏ vào túi.

Tan chợ, cô bé định ra về nhưng bàn tay chạm phải đồng tiền khi ăn sáng mà cô bé định bỏ heo đất. Hình ảnh bà cụ hiện ra thôi thúc ... Cô bé cầm đồng tiền, tiến đến chỗ bà cụ khắc khổ ấy. Nhẹ nhàng, cô bé ngồi xuống nắm lấy bàn tay gầy guộc rồi bỏ đồng xu vào ... tiếng cô bé nhẹ như gió thoảng. Bà cụ ngẩng lên, khuôn mặt hốc hác nhưng đôi mắt ánh lên những tia nhìn ấm áp.

Ánh mắt cười! Cô bé ngạc nhiên trước thái độ của bà cụ. Số tiền ấy có nhiều gì đâu nhỉ? Cô bé vừa đi vừa nghĩ rồi bất chợt quay lại nhìn. Phía góc chợ, bà cụ đội nón rách che gần kín khuôn mặt, bàn tay giơ lên cầu mong sự bố thí. Nhưng bàn tay còn lại vẫn nắm chặt đồng xu lúc nãy ... Đôi mắt cô bé bỗng gợn sóng. Phải chăng là thế?


Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

ĐỀ ÁN CÔNG TÁC NĂM HỌC 2009 – 2010

Đề án công tác năm học 2009-2010 của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn gồm những nội dung sau:
I.  TÌNH HÌNH CHUNG :
1)  Về đội ngũ cán bộ, giáo viên :
a) Về số lượng : Toàn trường có 48 CB-GV.  Trong  đó, BGH : 02 ; GV : 39 ; CBNV : 07.  Trong số 39 GV có 04 GV mới về nhận công tác tại trường gồm các môn Tiếng Anh, Sử, Địa và Thể dục ; có 03 GV đang theo học cao học tại Hà Nội và Tp HCM. Đến tháng 12/2009 có 01 GV sẽ nghỉ hưu
b) Về chất lượng :  15/41 GV có trình  độ thạc sĩ, chiếm 36,59% ; 17/41 GV đã đạt danh hiệu GVgiỏi và GV dạy giỏi cấp tỉnh, chiếm 41,46%.
c)  Năm học này, tuy lực lượng GV có được bổ sung nhưng với định mức biên chế ở  trường chuyên cùng với việc nhà trường sắp xếp cho một số GV đi học để nâng cao trình độ nên ở một số bộ môn như  Hóa, GDCD bình quân GV phải dạy trên 20 tiết /tuần.
2)  Về học sinh :
a) Số lượng :
- Toàn trường có 749 HS,  trong đó, khối 10 có  159 HS, khối 11 có 302 HS và khối 12 có 288 HS. So với năm học 2008 – 2009 giảm 9,21%. Lý do số lượng tuyển sinh lớp 10  sụt giảm lớn, so với năm 2008-2009 giảm 48,23%. Nhiều lớp số lượng HS quá thấp so với chỉ tiêu. Cụ thể như lớp 10Văn: 11HS (31,4%) ; 10Lý: 16 HS (45,7%); 10Toán: 19 HS (54,3%) ;  10Sinh: 17 HS (48,6%). Sự sụt giảm đáng kể số lượng HS khối 10 năm nay khiến cho nhà trường bị động trong kế hoạch hoạt động dạy và học.
- Tổng số lớp : 27 trong đó, khối 10 có 7 lớp (gồm 6 lớp chuyên và 1 lớp không chuyên) ; khối 11 có 10 lớp (gồm 8  lớp chuyên và 2 lớp không chuyên) ; khối 12 có 10 lớp (gồm 8 lớp chuyên và 2 lớp không chuyên). So với năm học trước giảm 02 lớp.
b) Về chất lượng HS : Ưu điểm là đại bộ phận HS đều chăm học, có ý thức rèn luyện, phấn đấu rõ rệt. Tuy nhiên mặt bằng HS không đồng đều giữa các lớp, các lớp Văn, Sử-Địa, Sinh vật năng lực học tập có hạn chế hơn so với các lớp Hóa, Toán, tiếng Anh. Nhiều HS ở huyện có khó khăn về chỗ ở và điều kiện học tập.
   

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Về cách hiểu câu thơ "Người ra đi đầu không ngoảnh lại" của Nguyễn Đình Thi

Từ lâu, bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã có mặt trong sách giáo khoa nhưng cho đến nay, câu thơ trên vẫn còn tồn tại hai cách hiểu khác nhau.
Có ý kiến cho rằng đó là "chân dung tự họa của tác giả", cụ thể hơn "những người thanh niên trí thức vừa từ biệt thành phố thân yêu để lên đường tham gia kháng chiến" (Sách GV Văn học 12, tập 1 - Sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000).
Có ý kiến ngược lại, "không thể hiểu là người ra đi kháng chiến" nếu đặt câu thơ này trong khổ thơ hoài niệm về "những ngày thu đã xa" của Hà Nội trước cuộc chiến tranh (Sách GV Văn học 12, tập 1, Ban KHXH).
Một câu thơ nhưng các tác giả của sách giáo viên không chỉ hiểu khác mà còn đối lập nhau.
Trong tiếp nhận văn học, hiểu khác nhau về một câu thơ, bài thơ là chuyện bình thường. Mọi cách hiểu đều có thể chấp nhận nếu tôn trọng tính toàn vẹn của văn bản, lắng nghe tiếng nói nghệ thuật của tác phẩm để nhận ra ý nghĩa của nó. Hai cách hiểu trên đều có căn cứ từ văn bản nhưng cách hiểu thứ nhất e không hợp lý bởi mấy lẽ sau:
- Người ra đi vào mùa thu không phải là người lên đường tham gia kháng chiến vì cuộc kháng chiến nổ ra vào mùa đông năm 1946.
- Trong dụng ý nghệ thuật của mình, nhà thơ muốn ngợi ca mùa thu mới của đất nước nên so sánh mùa thu nay với "những ngày thu đã xa". Theo tác giả, "đã xa" là đã xa trong kỷ niệm, không phải đã xa trong một thời gian cụ thể nào. Và "những ngày thu" ở đây cũng không phải là một mùa thu cụ thể năm nào.
Từ chỗ xác định thời gian nghệ thuật, tác giả Nguyễn Đình Thi giải thích: "Người ra đi này cũng không phải là tác giả hoặc một người cụ thể nào - người ấy ra đi, có thể là đi làm cách mạng hoặc vì một lẽ khác, vì một bi kịch chung hoặc riêng… dù sao đấy cũng là một người bỏ nơi ở, bỏ nơi mình quen sống để ra đi, người ấy có nhiều nông nỗi, nhiều tâm trạng… Người ra đi ấy có một cảnh ngộ nào đấy ta không biết rõ." (Báo Văn nghệ số 53-1994).
Như vậy, Nguyễn Đình Thi muốn diễn tả một người giã từ Hà Nội ra đi với tâm trạng buồn để từ đó làm rõ niềm vui của con người ở mùa thu nay: "Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi". Nhưng sáng tạo văn chương còn có phần tiềm thức, vô thức. Có lẽ hình ảnh những tráng sĩ, những khách chinh phu, hình ảnh Kinh Kha… ẩn sâu trong tâm hồn người trí thức tiểu tư sản Nguyễn Đình Thi giờ sống lại, hóa thân vào người ra đi và hiện ra trong tư thế "đầu không ngoảnh lại".
Các tác giả của Đáp án đề thi môn Văn khối D năm 2003 viết một cách rất thận trọng: "Nhà thơ đã ghi lại hình ảnh của những người Hà Nội phải rời thành phố rất đỗi thân yêu ra đi, dứt khoát nhưng cũng đầy lưu luyến".
Cái khó của người dạy Văn là phải phấn đấu hiểu thấu đáo áng văn để hướng dẫn học sinh thâm nhập vào chiều sâu hình tượng nghệ thuật, nắm bắt thông điệp thẩm mỹ của tác giả. Trước những áng văn có nhiều cách hiểu khác nhau, người giáo viên buộc phải cân nhắc, lựa chọn cách hiểu hợp lý nhất.
Về trường hợp câu thơ Nguyễn Đình Thi, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của chính nhà thơ trên báo Văn nghệ số 53 (31-12-1994).
. Đỗ Em
(Báo Bình Định - 7.8.2005)

Vợ nhặt (*) - một nhan đề hàm súc

Để hiểu một tác phẩm chúng ta phải giải mã nhan đề của nó. Không hiểu nhan đề Vợ nhặt đến trước hay sau khi Kim Lân hoàn thành tác phẩm nhưng đó là một nhan đề độc đáo.
Trước hết, nhan đề Vợ nhặt có sức khêu gợi sự chú ý của người đọc. Theo Kim Lân, vợ nhặt là vợ theo không, không cưới xin, lễ nghĩa gì cả. Đây là nhan đề ít nhiều hàm chứa chất hài hước nhưng ngẫm kỹ lại nói lên những điều thật sâu xa về thân phận bọt bèo, rẻ rúng của con người. Xưa nay, lấy vợ lấy chồng là một việc nghiêm túc. Nhưng ở Vợ nhặt, vợ không phải cưới xin mà nhặt được như nhặt một vật dụng tầm thường.

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG BÀI THƠ THỜI GIAN CỦA HÀN MẶC TỬ

Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh

Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm

Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua
Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi
Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?

Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân.
H.M.T
(Đau thương - phần Hương thơm)
Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một trong những hiện tượng đặc sắc của phong trào Thơ Mới Việt Nam (1932 – 1945), đặc biệt ở tập thơ Đau thương (tức Thơ Điên) đã có một sự kết hợp độc đáo của một tâm hồn thống khổ vì bệnh tật, tình duyên, bị tách biệt khỏi cuộc đời với một khả năng trác tuyệt của một cây bút sáng tạo cách tân để tạo thành những bài thơ cho đến nay vẫn chưa thể giải mã được cặn kẽ. Đứng từ góc độ thi pháp học, người viết xin nêu một vài suy nghĩ nhỏ về thời gian nghệ thuật trong một tác phẩm cụ thể: bài thơ Thời gian , nằm trong phần Hương thơm của tập thơ Đau thương.

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Thao giảng Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Tham gia hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, cô Nguyễn Thị Thuỳ Dương đã dạy 2 tiết thao giảng tại lớp 11Si, vào tiết 4 - 5 ngày 18.11. Sau đây là một số hình ảnh quay tại tiết thao giảng:

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

Tổ Ngữ văn có 3 Sáng kiến - Kinh nghiệm đạt loại B

Ngày 29/10/2009 Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định Trần Văn Quí đã kí Quyết định số 1858/QĐ-SGDĐT công nhận 53 Sáng kiến - Kinh nghiệm ngành GD-ĐT tỉnh Bình Định năm 2009, trong đó có 14 SK-KN xếp loại B, 39 SK-KN xếp loại C (không có loại A). Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có 12 SK-KN được công nhận, trong đó có 8 SK-KN xếp loại B, 4 SK-KN xếp loại C. Tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có 3 SK-KN xếp loại B, gồm:
1. Phương pháp luyện tập văn nghị luận xã hội cho học sinh THPT - tác giả Võ Công Trí
2. Về hệ thống câu hỏi bài giảng Chiếc thuyền ngoài xa - tác giả Đỗ Em
3. Bình giảng thơ trong chương trình THPT - tác giả Trần Hà Nam

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

DANH SÁCH ĐẠT GIẢI HSG TỈNH MÔN NGỮ VĂN 12


HỌC SINH ĐẠT GIẢI HSG TỈNH MÔN NGỮ VĂN 12 (2009 - 2010)
Tỷ lệ đạt giải: 14/20 = 70%

1. Nguyễn Phương Hoàng Cúc - 12/29/1991 - Quy Nhơn,BĐ - 12V - 16.00 - Nhì
2. Nguyễn Đỗ Thùy Dương - 4/16/1992 - Quy Nhơn, BĐ  - 12V - 15.00 - Ba
3. Nguyễn Thị Ái Thu - 9/7/1992 - Quy Nhơn, BĐ - 12V - 14.50 - Ba
4. Phạm Nữ Hạnh Ngoan - 3/23/1993 - Quy Nhơn, BĐ - 11V - 14.00 - Ba
5. Trần Thị Phương Linh - 1/30/1993 - Quy Nhơn, BĐ - 11V - 13.00 - KK
6. Bùi Thị Như Ngọc - 7/26/1993 - Quy Nhơn, BĐ - 11V - 13.00 - KK
7. Nguyễn Vũ Thu Hiền - 6/6/1993 - Phù Cát, BĐ  - 11V -12.50 - KK
8. Ngô Văn Hiệu - 11/1/1992 - Quy Nhơn, BĐ  - 12V - 12.00 - KK
9. Hà Thanh Hưng - 10/4/1992 -Tuy Phước, BĐ - 12V - 12.00 - KK
10.Lê Đinh Thùy Linh - 6/16/1992 - Quy Nhơn, BĐ  - 12V - 12.00 - KK
11.Nguyễn Hồng Phước - 11/16/1993 - Quy Nhơn, BĐ - 11V - 12.00 - KK
12.Trần Thị Thùy Trang - 2/20/1993 - Phù Cát, BĐ - 11V - 12.00 - KK
13.Lê Đức Hoàng Vân - 8/19/1993 - Quy Nhơn, BĐ - 11V - 12.00 - KK
14.Nguyễn Thị Thảo Vy - 5/22/1993 - Tuy Phước, BĐ - 11V - 12.00 - KK

THÔNG BÁO CUỘC THI SÁNG TÁC VĂN HỌC NĂM 2009-2010

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
Tổ Ngữ văn

THÔNG BÁO CUỘC THI SÁNG TÁC VĂN HỌC NĂM 2009-2010

Năm học 2009-2010, tổ Ngữ văn tổ chức Cuộc thi sáng tác văn học về nhà trường. với mục đích: Duy trì hoạt động sáng tác văn học trong nhà trường ; tạo một sân chơi mới cho những học sinh có năng khiếu viết văn ; chuẩn bị bài vở để làm tập san kỉ niệm 10 năm ngày thành lập trường,
Kế hoạch cuộc thi gồm những nội dung sau:
1. Đối tượng dự thi:
- Đối tượng bắt buộc: Tất cả HS hiện đang học tại trường (tính đơn vị lớp)
- Đối tượng không bắt buộc: Học sinh cũ của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
2. Yêu cầu đối với tác phẩm dự thi:
a) Chủ đề: Tác phẩm dự thi tập trung vào một số chủ đề sau:
- Kỉ niệm học trò ; nhớ về thầy, cô
- Mái trường của ta
- Nhìn lại một chặng đường phát triển của nhà trường
- Tuổi trẻ với sự nghiệp xây dựng đất nước.
b) Thể loại: Truyện ngắn, tùy bút, bút kí 1000 chữ  và thơ
3. Hình thức tổ chức và chấm giải:
a) Mỗi lớp tham gia ít nhất 03 tác phẩm. Đối với đối tượng là học sinh cũ không bắt buộc.
b) Bài dự thi sẽ đưa lên diễn đàn: http://www.ddhsonline.com cho người đọc bình chọn. Điểm bình chọn của bạn đọc trên mạng chiếm 50% điểm xếp giải
c) Ban Giám khảo sẽ tập hợp, giới thiệu, bình chọn và xếp giải. (điểm của BGK chiếm 50% điểm xếp giải)
4. Thời gian:
a) Tuần từ 9/11/09 đến 14/11/09 phát động cuộc thi
b) Từ 15/11/09 người dự thi bắt đầu đưa tác phẩm lên mạng.
c) Cuộc thi có 2 đợt. Đợt I từ 15/11/2009 đến hết ngày 9/1/2010 , mỗi lớp phải có ít nhất 01 bài dự thi đưa lên mạng để bình chọn. Đợt II từ 10/1/2010 đến hết ngày 10/3/2010
b) Công bố giải và phát thưởng vào ngày 26/3/2010
5. Giải thưởng:
- Giải nhất: 400.000 đồng
- Giải nhì:   300.000 đồng
- Giải ba :    200.000 đồng

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Truyện ngắn: CON CHÓ KI KI

  • LÊ ĐỨC HOÀNG VÂN (Lớp 11V)
    Bé Tồ bước những bước đi khập khễnh, người  nghiêng hẳn qua một bên vì phải kéo cái xô nhựa cao gần tới vai nó. Mỗi bước nó đi, những tiếng "lẻng xẻng, lẻng xẻng" do khuôn bánh xèo, nắp xoong, thìa, thau nhôm,... va nhau từ trong xô lại vang lên. Giá mà nó có một chiếc xe đạp nho nhỏ để chở cái xô đi thì đỡ khổ biết mấy. Từ lúc đọc được những cuốn truyện cổ tích, nó đã từng lên tận con suối vắng vẻ trên ngọn núi Bà Hỏa ngồi bó gối một mình để cầu xin ông Bụt hay ông già Nôen cho nó chiếc xe đạp. Nhưng mãi không thấy điều kì diệu ấy, dù nó luôn cố gắng làm một đứa trẻ ngoan và hiếu thảo...

    Vậy là đêm đêm, cứ khoảng 22 giờ hơn, dưới ánh đèn đường vàng vọt của con đường Hoàng Văn Thụ dẫn về xóm núi đìu hiu, bóng cái xô mập ú cứ lặc lè đi theo cái bóng còm nhom của Tồ, ngã xuống đường khuya vắng tanh.
    Tối nay, trời không mưa nhưng lạnh quá nên đường càng vắng vẻ. Đang lầm lũi đi, bỗng Tồ khựng lại, mắt nó mở tròn nhìn cái gì trắng trắng cứ quay vòng vòng chỗ bãi rác. Miệng nó khô khốc, nó buông cái xô xuống đất từ lúc nào không biết và muốn bỏ chạy, nhưng chân nó như muốn sụm xuống, nó run rẩy bấu tay vào cái thành xô, mắt liếc tìm một bóng xe máy chạy qua, nhưng đường vắng tanh. Chết rồi! rõ ràng người ta nói "Đi đêm có ngày gặp ma" không sai mà! Nó kêu trời kêu phật, cầu mong có tiếng xe máy tới cứu nó đuổi "con ma bãi rác" kia, nhưng chỉ có tiếng gió rít qua hàng cây trước những ngôi nhà đóng cửa im ỉm.
    Bỗng nó giật bắn người, khi một bàn tay vỗ lên vai nó
    - Sao con đứng đây?
    May quá, mẹ đây rồi, Tồ nói nhanh:
    - Mẹ! chỗ kia! Chỗ kia!
    Tồ run rẩy đưa tay chỉ chỗ "con ma" đang quay vòng vòng; thím Tư, mẹ nó dựng xe đạp, để hai cái xô lỉnh kỉnh những chén, đĩa xuống đường:
    - Con đứng đây, để mẹ lại coi cái gì?
    Tồ líu lưỡi:
    - Ma....
    - Bậy nà! Ma gì? Con đứng đây để mẹ tới coi!
    Tồ sợ hãi đến méo xệch cả miệng, chụp lấy tay mẹ. Thím Tư xoa xoa bàn tay lạnh ngắt của con rồi dắt nó theo. Có mẹ, Tồ an tâm phần nào, nhưng nó nghe nói ma chỉ sợ tiếng động cơ thôi, hai mẹ con nó lại không đi xe máy! Tồ run rẩy và lạnh cóng như muốn đông thành đá. Càng lại gần bãi rác, chân nó càng run rẩy, mắt nó nổ đom đóm, chẳng còn nhìn thấy gì nữa.
    Bỗng thím Tư nói lớn:
    - Đó! Ma gì? Con chó con!
    Tồ mở to mắt nhìn theo chỗ mẹ chỉ tay:
    - Đúng rồi mẹ ơi! Đây là con chó "nhà biệt thự". Sao nó lại ở đây?
    Mà sao con chó đi lạ quá! Nó chạy xiên xẹo như say rượu, chiếc lục lạc màu vàng trên cổ nó cứ kêu "leng keng, leng keng". Bỗng con chó lăn quay ra giãy đành đạch rồi lựng khựng đứng dậy, lựng khựng chạy tới nằm bẹp xuống gần chân Tồ bé ngước nhìn với ánh mắt cầu xin buồn bã.
    Dì Tư la lên:
    - Con chó bị bịnh rồi, người ta vứt nó đó con! Thôi, dọn đồ về con!
    Nhìn con cún con giương đôi mắt buồn rười rượi nhìn mình như cầu cứu, Tồ ái ngại:
    - Mẹ ơi! Trời lạnh, bỏ nó ở đây tội quá!
    Thím tư nhỏ nhẹ:
    - Tội thiệt, nhưng chắc nó bị bịnh khó sống nên chủ nó mới bỏ vầy, kể ra cũng ác
    - Hay mình đem nó về đi mẹ
    Thím Tư ái ngại:
    - Đem của tội nợ về chi? Rồi nó cũng chết thôi, giống chó cảnh này đắt tiền lắm, cứu được, chủ nó đã không ném ra đây, về đi con!
    - Cho con ôm nó về nhà cho ấm đi mẹ, chừng nào nó chết rồi tính, để nó đây, nó đau còn lạnh nữa, tội quá!
    Thím tư lưỡng lự:
    - Lỡ nó lây bệnh sang mình thì sao? Con không biết sợ à?
    - Nó không phải bệnh dại đâu mẹ! Mẹ nhìn nó nè, tội quá! Cứu nó đi mẹ
    - Mẹ sợ không cứu được nó mà khổ cho mình.
    Nói hoài mà con không nghe, thím Tư đành lấy bao ni lông bỏ con chó vô, cho Tồ xách về nhà.
                               ***

    Cứ sau mỗi lần lên cơn, chạy lòng vòng, lựng khựng và rên rỉ, con cún con mệt lử lại nằm bẹp mõm xuống sàn nhà. Tồ lấy chén nhựa cũ, sớt chút cháo loãng cho con cún, con cún run rẩy bò lại, nhúng cái mõm ướt rượt vào chén cháo, nhưng miệng không nuốt được.
    Tồ đang loay hoay tìm cách cho cún con ăn thì bọn thằng Bờm, con Dỏm, con Bột ùa vào. Chúng nó hào hứng xúm nghe Tồ kể chuyện nhặt được chú cún con.
    Con Bột nhìn ngắm con chó rồi cất giọng than thở:
    - Con chó đẹp quá! Nhưng đã bị bịnh mà còn không ăn thì chết là cái chắc... Hay mình cạy miệng nó đổ cháo vô?
    Vậy là thằng Bờm cạy miệng con cún, con Tồ cầm muổng đổ cháo. Chú cún ngoan ngoãn há mồm, nhưng không nuốt được. Hình như lưỡi hay cổ họng nó bị cứng hay sao mà khi con cún cố nuốt thì cháo cứ chảy hết ra hai bên mép.
    Bốn đứa bé buồn rầu nhìn con chó ốm nhom nằm run rẩy nhưng cái đuôi vẫn cứ vẫy vẫy trông thật tội nghiệp.
    Bỗng con Dỏm hớn hở la lên:
    - Tao nghĩ ra rồi, lấy ống tiêm xịt nước cháo vô họng nó!
    Thằng Bờm đứng phắt dậy:
    - Diệu kế! Diệu kế! Để tao đi mua cho!
    Nói chưa dứt câu, Bờm đã ba chân bốn cẳng chạy ra tiệm thuốc tây... Lâu lắc, nó mới chạy về với cái ống tiêm trên tay.
    Lũ nhỏ lại xúm xít bơm nước cháo vô sâu trong họng chó, bây giờ thì con cún nuốt được một cách khó nhọc.
    Bốn đứa bé vui mừng reo hò, chuyền tay nhau bồng ẵm chú chó còm nhom. Nhưng rồi cứ mỗi ngày chú cún con lại lên cơn mấy lần, mỗi lần lên cơn, nó cứ lựng khựng chạy vòng vòng quanh cái nhà kho vách tôn vừa thấp vừa hẹp, chứa đủ thứ đồ điện hỏng.
    Chú Tư, ba Tồ biết chuyện, sợ mấy đứa nhỏ lây bệnh của chó, chú hộc tốc đạp chiếc xe cà tàng chạy tới nhà ông thú y, kể lại bệnh con chó mà Tồ nhặt từ bãi rác về.
    Đi khá lâu, chú Tư về nhà, ái ngại nói với con:
    - Bác sĩ thú y nói con chó bị bịnh carê rồi, bịnh không lây sang người, nhưng hổng có thuốc chữa, khó sống lắm. Một trăm con mắc bịnh này, may ra có một con tự khỏi. Đừng tốn công, ném ra bãi rác đi con!
    Nghe tới đó, con Tồ ngồi bệt xuống đất khóc nức nở. Lũ bạn hàng xóm lẳng lặng ngồi quanh con chó, rồi rối rít xin cho con chó ở lại. Tụi nó hứa một cách hùng hồn rằng nếu con chó chết, tụi nó sẽ đem lên núi Bà Hỏa chôn chứ không ném ra bãi rác.
    Mỏi mệt vì suốt ngày đạp xe đi khắp thành phố, khan tiếng rao "mua quạt máy quạt trần tủ lạnh hư..." , chú Tư đằng hắng mấy tiếng rồi lên võng nằm ngủ. Mệt! kệ lũ nhỏ!
    ***
    Con Dỏm có cái tên như vậy, nhưng không dỏm chút nào, nó còn xịn nữa là khác. Cái chiêu dùng ống xê ranh bơm thuốc cho cún đã giúp con cún lại sức rất nhanh.  Rồi như có phép lạ, những đợt đau của cún thưa dần và nó dần dần tự ăn được. Cuối cùng con cún khỏi hẳn bệnh qua hơn một tháng chăm chút của bọn trẻ con nhà nhôm nhựa ở xóm núi Bà Hỏa.
    Vui mừng như bắt được của, từ đó, ngoài giờ học, lũ nhỏ không còn lang thang lên các ngôi mộ trên núi để chạy nhảy nữa, mà xúm xít tới nhà con Tồ đùa giỡn với con cún xinh xắn chỉ lớn bằng chai nước xá xị mà chúng đặt tên là Ki Ki.
    Một chiều kia, lũ nhỏ lấy sợi dây nhựa cột vào cái vòng cổ xinh xắn (có cái lục lạc màu vàng của chủ cũ con Ki Ki) dẫn con chó xuống phố dạo. Chúng ồn ào chạy ngang qua ngôi biệt thự màu hồng mà không biết phía sau cánh cổng to kia có một cô bé nhìn theo con Kiki rồi khóc nức nở, cố đòi mở cổng chạy ra nhìn theo con chó mà con bé tưởng là đã chết từ hơn một tháng trước.   
    ***

    Một buổi sáng chủ nhật, đang chuẩn bị bế con Kiki ra bờ biển, con Tồ, thằng Bờm, con Bột và con Dỏm bỗng thấy có khách lạ vô nhà chú Tư, lũ nhỏ rón rén bồng con Ki Ki ra khỏi nhà kho thì nghe ông khách lạ nói:
    - Tại con bé nhà tui nó thương con chó Lucky này quá, nó trách tui sao con chó chưa chết mà lừa nó, đem ném. Con bé cứ khóc hoài nên tui mới lên đây. Thôi! Anh để tui chuộc lại con chó, đưa lũ nhỏ vài trăm, bồi dưỡng công nó chăm sóc.
    Chú Tư chần chừ:
    - Thiệt ra, lũ nhỏ trong xóm không có gì chơi nên thương con chó lắm. Để tui hỏi chúng thử!
    Nghe nói tới đó, con Dỏm ôm con chó chạy mất. Con Tồ, thằng Bờm và Bột vội chạy lên nhà trên:
    - Tụi cháu nhặt KiKi từ bãi rác, không trả lại bác đâu!
    Ông chủ "nhà biệt thự" nhìn chúng nhỏ nhẹ:
    - Bác có đòi lại đâu! Bác chuộc mà!
    Rồi ông quay sang hỏi chú Tư:
    - Đứa nào là con anh?
    Theo tay chỉ của chú Tư, ông khách lại gần Tồ, xuống giọng nhỏ nhẹ:
    - Bác đưa cháu năm trăm ngàn, cháu chịu chưa? Nếu muốn, cháu trích ra vài chục ngàn là mua được con chó khác dễ nuôi hơn. Giống Chi hua hua khó nuôi lắm
    Chú Tư cũng dỗ dành:
    - Bác đây nói đúng đó con! Năm trăm ngàn con mua được chiếc xe đạp mi ni mới toanh. Rồi ba mua cho con con chó khác.
    Chiếc xe đạp, xe đạp! cái mà nó mơ ước bao ngày, giờ bỗng nhiên có được. Chui cha! sướng quá! rồi lũ nhỏ xóm núi này sẽ sẽ xúm xít tập đạp, đạp, đẩy, đẩy..... Ôi! sao mà sướng quá.
    Nhưng nghĩ tới chuyện mất con KiKi, Tồ buồn thiu.
    Bờm nghe nói đến chiếc xe đạp, mắt nó sáng rỡ, nó ào tới gần Tồ, tròn cả mắt lẫn miệng:
    - Chịu quách đi! rồi sẽ vừa có chó khác, vừa có xe đạp. Để đó, tao tập tụi bay đạp xe cho!
    Bờm say sưa vừa dang hai tay như đang cầm ghi đông xe, vừa nói lớn
    - Thích quá! Thích quá! Xe mi ni xuống dốc e...e...
    Con Bột nguýt anh:
    - Hổng trả chó! hỗng thèm tiền! em thích con KiKi hơn!
    - Mầy đúng là ngốc!
    Thằng Bờm đá cho Bột một cái, con bé không nhịn, liền đấm vô lưng anh một cái thật mạnh, rồi nhìn thẳng vô mặt ông "chủ biệt thự" hét lớn:
    - Đồ ác!
    Không để ý tới lũ nhỏ, chú Tư bảo con:
    - Con đem con KiKi lên đây
    Chú Tư nói chưa dứt lời đã thấy bé Dỏm ôm con Ki Ki lấm lét bước vô nhà.
    Thấy con chó, "ông chủ biệt thự" vội đứng lên khỏi ghế, lom khom lại gần con Dỏm:
    - Lucky! Lucky! lại đây!
    Con KiKi vụt chạy ra khỏi tay con Dỏm, nó nhảy chồm tới chỗ "ông chủ nhà biệt thự", rồi bất ngờ đớp vào tay ông một cái, sau đó, nó vừa lùi dần tới chỗ con Tồ, vừa sủa tới tấp.
    "Ông chủ nhà biệt thự" hốt hoảng rụt tay về, rồi đứng phắt dậy:
    - Con chó phản chủ! Chết rồi! nó đã ngừa dại chưa vậy anh Tư?
    Chú Tư cười cười, trấn an "ông chủ nhà biệt thự":
    - Hổng sao đâu! tuần trước lũ nhỏ xin tui mười mấy ngàn chích ngừa dại cho con chó rồi.... Hay thôi, anh về mua chó khác nuôi....
    -  Thôi, hổng ai muốn nuôi đồ phản chủ, Tui về đây!
    "Ông chủ biệt thự" vừa xoa xoa chỗ tay rướm máu vừa cúi thấp đầu bước nhanh ra khỏi cánh cửa bằng tôn thấp lè tè, rồi đi ra phía đường dốc ngoằn nghoèo dẫn ra đường lớn.
    Lũ nhỏ mừng rỡ có, nuối tiếc có, cãi cọ với nhau loạn xạ, nhưng cuối cùng, chúng đều vui vẻ, ồn ào bồng con chó nhỏ đi tắm biển.
    Thoáng một cái, những bước chân nhanh nhẹn quen đi dốc của chúng đã vượt qua những bước chân khó nhọc của "ông chủ nhà biệt thự". Và khi vượt ngang qua ông chủ cũ, Ki Ki lại xù lông sủa lên mấy tiếng "Gâu, Gâu , Gâu"...
    L.Đ.H.V

Đổi mới phương pháp bình giảng thơ trong chương trình THPT

Bình giảng văn xuôi và bình giảng thơ là kiểu bài thuộc phân môn Làm văn của bộ môn Ngữ văn, cũng là kỹ năng không thể thiếu trong giờ Đọc văn. Trong đó, thể loại thơ chiếm địa vị quan trọng trong chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông. Việc cảm thụ tác phẩm luôn là một yêu cầu hàng đầu giúp các em nâng cao năng lực cảm thụ tác phẩm, thẩm thấu được các giá trị Chân, Thiện, Mỹ của cuộc sống và văn chương, bồi đắp và nâng cao tâm hồn.

1.Mục đích đề tài:

Đổi mới phương pháp bình giảng thơ trong chương trình THPT nhằm góp phần nhỏ trong việc làm cho môn Văn thật sự là một môn học hứng thú với học sinh và giáo viên, làm giờ dạy đọc hiểu các tác phẩm thơ sinh động và cuốn hút hơn. Về phía giáo viên có thể tự mình hướng dẫn các em học sinh thực hiện các thao tác bình giảng một cách thuần thục và tránh khuôn sáo, phát huy cao độ tính tích cực sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập bộ môn Ngữ Văn.

2.Mô tả giải pháp:

2.1- Thực trạng việc học bình giảng thơ ở trường phổ thông hiện nay:

2.1.1- Thời lượng dành cho các tiết học thơ thường giới hạn trong một tiết học, cá biệt có một tiết phải học cả hai bài thơ. Phần lớn các bài thơ dài mới có thời lượng 2 tiết/bài. Thời lượng dành cho tiết dạy thơ hạn chế, khó phát huy hết các thao tác bình giảng trong tiết dạy.

2.1.2- Thể loại bình giảng thơ thích hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, kích thích óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của tuổi học trò. Tuy nhiên, thiên hướng các năm gần đây ngả về phía các bộ môn tự nhiên hơn bộ môn xã hội nên các em không mặn mà với môn Văn. Kỹ năng bình giảng lại là một kỹ năng khó, nhiều em chưa nắm được phương pháp, năng lực cảm thụ yếu. Hạn chế của học sinh tập trung chủ yếu ở sự nghèo nàn về vốn sống, thiếu kiến thức về lịch sử cũng như văn chương. Học sinh không thuộc tác phẩm, không hiểu nội dung cũng như phương pháp tiếp cận văn bản thơ, vì vậy thường bình tán, suy diễn chủ quan vô căn cứ.

2.2- Nội dung giải pháp:

2.2.1 Chuẩn bị tư liệu

Để bình giảng tốt một tác phẩm thơ, khâu quan trọng là chuẩn bị tư liệu, càng có nhiều cách tiếp cận, người giáo viên càng có nhiều cảm hứng và hướng xử lý văn bản, chọn lọc được chi tiết bình giảng đắt giá. Internet là công cụ hỗ trợ hiệu quả để tham khảo các nguồn bài bình giảng, các bản ghi âm giọng đọc, giọng ngâm, các bài bình giảng hay xung quanh tác phẩm ở trên mạng toàn cầu. Do vậy, giáo viên thành thục thao tác tra cứu trên mạng, sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian.

2.2.2 Đọc văn bản

Với văn bản thơ cần đọc đi đọc lại theo nhiều cách khác nhau, từ đọc thầm đến đọc diễn cảm để chọn ra cách đọc đúng tinh thần văn bản nhất. Nhiều giáo viên không chú ý khâu đọc, không thuộc văn bản, lệ thuộc vào sách giáo khoa nên không tránh khỏi lúng túng khi diễn đạt cũng như bình vào chi tiết không chính xác. Thực tế cho thấy việc đọc rõ ràng, chính xác và truyền cảm một bài thơ trên lớp sẽ giúp ích rất nhiều cho giáo viên truyền thụ cảm xúc vào bài giảng, tạo hứng thú cho các em cùng khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm.

2.2.3 Bình giảng trên lớp


Thao tác bình giảng trên lớp tỏ ra có ưu thế hơn so với phương pháp phân tích, diễn giảng theo lối truyền thống. Trước kia, giáo viên thường phải “làm thay” việc cảm thụ tác phẩm cho học sinh, cách dạy ấy không tránh khỏi những áp đặt mà học sinh cũng không dám phát biểu tranh luận với giáo viên. Còn dạy theo phương pháp bình giảng, theo tôi cần phải tạo môi trường thân thiện, hướng học sinh cùng tham gia cảm thụ tác phẩm theo định hướng và những gợi ý từ giáo viên.

Các thao tác cơ bản:

- Nhấn mạnh vào các trọng tâm cần khai thác trong bài thơ

- Xây dựng lại hệ thống câu hỏi theo hướng bình giảng, bám sát những đặc trưng thể loại của tác phẩm. Trong khâu này, giáo viên cần khuyến khích học sinh mạnh dạn phát biểu suy nghĩ riêng của bản thân, trên cơ sở chỉ định ngẫu nhiên học sinh phát biểu ý kiến (không theo cách truyền thống lâu nay là chờ học sinh giơ tay phát biểu, sẽ chỉ có một nhóm nhỏ làm việc trong khi phần lớn không chú ý vào bài!). Giáo viên cũng hình dung được cách tiếp cận của học sinh để điều chỉnh, định hướng kịp thời.

-Chọn lọc những ý thơ, đoạn thơ trọng tâm bình giảng mẫu, sau đó yêu cầu học sinh dựa vào cách trình bày, diễn đạt của giáo viên để bình giảng các đoạn thơ, ý thơ tương tự.
- Giáo viên hệ thống hoá, chốt lại những trọng tâm.

Giáo viên phải nắm chắc kết cấu tác phẩm, chọn lọc được những từ ngữ, hình ảnh đắt giá, đúng trọng tâm để bình thật trúng ý, vừa mang tính bao quát vừa thể hiện chiều sâu trong bài giảng.

2.2.4 Viết bài bình giảng

Khả năng viết bài bình giảng của giáo viên còn làm tăng sức thuyết phục đối với học sinh về cách thức tiếp cận, cảm thụ tác phẩm theo nhiều hướng khác nhau. Đồng thời giúp học sinh nhận thức sự khác biệt giữa cách diễn đạt bình giảng dạng nói với cách diễn đạt bình giảng dạng viết. Để làm tốt điều này, cần phải trải qua hai khâu chính:

+ Xây dựng đề cương bình giảng: xác định đúng trọng tâm bình giảng, định hướng tiếp cận văn bản, theo hướng Tổng – Phân - Hợp. Trong đó:

- Phần Tổng: xác định đặc điểm đề tài, cảm hứng chủ đạo. So sánh những cách hiểu quen thuộc về bài thơ trước đây, từ đó đề xuất hướng tiếp cận phù hợp, có thể tiếp thu và phát triển, bổ sung hoàn chỉnh ý cần bình giảng.

- Phần Phân: chia nội dung bình giảng thành nhiều khía cạnh nhỏ, dựa trên định hướng ở phần Tổng. Bám sát các tiêu chí về ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ, khai thác lối diễn đạt độc đáo của tác giả. Phân đoạn bình giảng trên cơ sở chọn lọc chi tiết đắt giá nhất để chỉ ra vẻ đẹp tiêu biểu trong ý thơ, câu thơ, kết cấu…

-Phần Hợp: đánh giá tổng quát, nhấn mạnh vào những khám phá riêng để khái quát giá trị của đoạn thơ được bình giảng. Liên hệ mở rộng làm rõ tư tưởng, phong cách của tác giả và chỉ ra những đóng góp nâng cao giá trị của tác phẩm.

+ Viết bài bình giảng thơ: Công việc này phục vụ trực tiếp việc giảng dạy, giúp học sinh nắm được các thao tác làm bài trong khuôn khổ nhà trường, có thể vận dụng phương pháp bình giảng theo cảm nhận của chính các em. Điều quan trọng nhất là phải tìm ra được tác phẩm tâm đắc thật sự, chọn lựa phương pháp diễn đạt thể hiện được cách cảm, cách đánh giá của bản thân. Cần chú trọng đáp ứng các yêu cầu sau:

-Bảo đảm truyền đạt các ý trọng tâm trong bài giảng theo định hướng chuẩn kiến thức cần đạt của bài.

-Linh hoạt trong cách diễn đạt, cần chọn lọc được những chi tiết trọng tâm của tác phẩm để viết bình giảng. Các ý bình giảng phải thể hiện được sự tìm tòi thật sự của giáo viên, không rập khuôn lối diễn đạt trong các bài văn mẫu, bài tham khảo trong các tài liệu của người khác.

-Giáo viên cần đầu tư chọn lọc từ ngữ diễn đạt “trúng” ý, tạo được ấn tượng và cảm xúc mạnh đối với học sinh. Điều này đòi hỏi chính người giáo viên phải trau dồi vốn từ, năng lực diễn đạt đa dạng, tránh theo lối mòn câu chữ có sẵn, dễ dãi thiếu sự đầu tư.

Sau quá trình viết xong một bài bình giảng luôn luôn phải có kiểm định bằng phép thử - sai để điều chỉnh các ý bình giảng cho phù hợp.

Viết bài bình thơ: Đây là khâu bổ sung kỹ năng, kỹ xảo cho chính giáo viên, nhằm tự kiểm tra năng lực cảm thụ của bản thân, phát hiện những chi tiết đắt giá trong văn bản thơ, luyện tập phương pháp diễn đạt. Có thể thực hiện bằng cách rút gọn văn bản bình giảng hoặc viết bài bình thơ độc lập. Giáo viên cần có sổ ghi chép để tập bình những ý thơ, đoạn thơ mình tâm đắc nhất trong bài giảng, nhằm tích lũy và bổ sung làm phong phú thêm bài bình giảng cho học sinh.

2.2.5 Đổi mới việc kiểm tra đánh giá học sinh

Kiểm tra trên lớp: đổi mới cách ra đề theo hướng kích thích hứng thú của học sinh, tạo điều kiện cho các em phát triển cảm xúc và kỹ năng diễn đạt ý, tăng cường chất văn cho đoạn nghị luận, bài nghị luận.

Bài viết về nhà: phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, hạn chế tối đa việc sao chép các tài liệu tham khảo có sẵn. Một trong những biện pháp hạn chế việc sao chép mẫu của học sinh là yêu cầu các em lập dàn ý trước khi viết bài, khi nộp bài đồng thời với nộp dàn ý sẽ tập cho học sinh có thói quen tìm tòi, xây dựng hệ thống lập luận của riêng mình và hạn chế sự trùng lặp ý tưởng, lời văn, rập khuôn theo tài liệu có sẵn.

3.Khả năng áp dụng:

Nắm vững nguyên tắc bình giảng thơ, vận dụng thành thục kỹ năng bình giảng là yêu cầu không thể thiếu đối với giáo viên dạy Văn trong nhà trường phổ thông. Vì vậy mỗi giáo viên cần tự trau dồi nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng bình giảng.

Vận dụng bình giảng thơ một cách hợp lý sẽ giúp giờ học trở nên sinh động, môn Văn có sức cuốn hút và phát huy được tính tích cực chủ động trong giờ học môn Văn của cả giáo viên và học sinh.

Bình giảng thơ là công việc khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân giáo viên để tự nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện năng lực tiếp nhận và cảm thụ văn chương nói chung và thể loại thơ nói riêng.

Bình giảng thơ góp phần nâng cao tâm hồn và nhận thức của học sinh, hướng các em vào suy nghĩ sâu sắc về các sự vật hiện tượng trong đời sống được phản chiếu trong thơ . Không những thế, bình giảng còn giúp các em rèn luyện các thao tác phân tích bình giảng thơ, phát huy năng lực liên tưởng, có khả năng quan sát và phát hiện những vẻ đẹp Chân - Thiện - Mỹ của cuộc sống và văn chương. Qua đó cũng có thể phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có chất văn, có năng khiếu trở thành học sinh giỏi môn Ngữ văn.

4.Hiệu quả của phương pháp:

Những kinh nghiệm của bản thân được nêu ra trong đề tài này đã được vận dụng trong quá trình dạy học trên lớp, bồi dưỡng học sinh giỏi, viết sách bồi dưỡng nâng cao Ngữ văn, tạo được hứng thú học tập cho các em và đã có nhiều học sinh thành công trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp phổ thông.

Chỉ tính riêng trong năm học 2008 – 2009, ở bốn lớp 12 và 2 lớp 11 theo Ban Khoa học tự nhiên mà tôi dạy tại trường, phần kiểm tra về thơ của các em luôn đạt điểm khá giỏi từ 75 – 85%. Trong quá trình bồi dưỡng đội tuyển quốc gia, tôi được phân công giảng dạy phần thơ ở chương trình lớp 11, vận dụng phương pháp này có hiệu quả. Khi các em làm bài thi quốc gia có đề phân tích, so sánh hai tác phẩm thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương và “Sóng” của Xuân Quỳnh, tất cả các thành viên đội tuyển đều làm tốt, vì vậy đã góp phần thành công chung cho môn Văn với 100% đạt giải (3 giải Ba, 3 giải khuyến khích)


Trần Hà Nam, GV trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định-2009
(Bài đăng trong mục SKKN trên website Công đoàn GD Bình Định -
http://cdgdbinhdinh.edu.vn)

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

GIỚI THIỆU TỔ NGỮ VĂN

Tổ trưởng: Thạc sĩ  Võ Công Trí, GVG cấp tỉnh
Thành viên:
Thạc sĩ  Đỗ Em, GVDG cấp tỉnh
Thạc sĩ Trần Hà Nam, GVDG cấp tỉnh
Lê Thị Kim Tuyết, GVG cấp tỉnh
Nguyễn Thị Thùy Dương
Nguyễn Thị Hồng Khánh

Hình ảnh blog