Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Vợ nhặt (*) - một nhan đề hàm súc

Để hiểu một tác phẩm chúng ta phải giải mã nhan đề của nó. Không hiểu nhan đề Vợ nhặt đến trước hay sau khi Kim Lân hoàn thành tác phẩm nhưng đó là một nhan đề độc đáo.
Trước hết, nhan đề Vợ nhặt có sức khêu gợi sự chú ý của người đọc. Theo Kim Lân, vợ nhặt là vợ theo không, không cưới xin, lễ nghĩa gì cả. Đây là nhan đề ít nhiều hàm chứa chất hài hước nhưng ngẫm kỹ lại nói lên những điều thật sâu xa về thân phận bọt bèo, rẻ rúng của con người. Xưa nay, lấy vợ lấy chồng là một việc nghiêm túc. Nhưng ở Vợ nhặt, vợ không phải cưới xin mà nhặt được như nhặt một vật dụng tầm thường.
Tính chất bất thường của câu chuyện gắn với nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu. Chính trong bối cảnh nạn đói, Tràng đã nhặt được thị. Người con gái đến với Tràng chỉ có một cái tên chung là "thị"nghĩa là một trong số hàng vạn người đói khát đang phiêu bạt khắp nơi. Ở thị, cái đói đã tàn phá hình hài và tâm tính, phơi bày một ham muốn trần tục là được ăn. Vì thế, chỉ cần Tràng đồng ý là thị làm một lèo bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì... Cái cách ăn của thị gợi nhớ đến nhân vật bà lão trong Một bữa no của Nam Cao. Kim Lân đã chọn được một chi tiết đặc sắc để miêu tả sự hủy diệt của cái đói đối với nhân cách con người. Rồi thị theo Tràng về nhà sau lời rủ rê đùa cợt. Tất cả chỉ vì đói.
Dõi theo quá trình nên vợ, nên chồng của họ ta hiểu vì sao tác phẩm mang nhan đề Vợ nhặt. Câu chuyện tình của họ không mang màu sắc lãng mạn như những câu chuyện tình mà văn chương miêu tả. Cái hiện thực phũ phàng của khung cảnh đã tiêu diệt chất thơ vốn có của mọi cuộc tình. Thị đến với Tràng chỉ vì một ham muốn trần tục là được ăn.
Tính chất vợ nhặt càng rõ hơn lúc thị theo Tràng về nhà. Nam Cao đã miêu tả một đám cưới tưởng như tận cùng của sự đói nghèo - một đám cưới với những bộ cánh nâu vá víu bạc phếch (Một đám cưới - Nam Cao). Kim Lân miêu tả một đám cưới chỉ có hai người. Đêm tân hôn chỉ khác ngày thường có hai hào dầu thắp sáng. Chừng ấy chi tiết, đám cưới đã thật bi thảm. Nhưng càng bi thảm hơn khi trong đêm tân hôn tiếng hờ người chết vọng vào tận trong buồng cưới lúc nhỏ, lúc to. Cái ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh.
Tuy nhiên, như một nhà nghiên cứu đã nhận xét, nhặt thì không vinh dự gì chứ vợ thì vinh dự. Chính tư cách người vợ đã trả lại cho thị sự sống, nhân cách, nhân phẩm khiến Tràng cũng phải ngạc nhiên. Chính thị là người đã đem lại cho Tràng niềm hạnh phúc. Còn bà cụ Tứ thì gương mặt vốn bủng beo, u ám cũng trở nên rạng rỡ khác thường. Cũng chính thị là người nói đến Việt Minh phá kho thóc Nhật chia cho người đói khiến Tràng thấy "ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ" khi bỏ qua một dịp may.
Như vậy, Vợ nhặt là một nhan đề hàm súc. Nó có ý nghĩa tố cáo xã hội đã gây ra nạn đói hủy diệt con người. Mặt khác, nhan đề ấy cũng nói lên rằng, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống, trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, con người vẫn hướng về sự sống, về hạnh phúc, tương lai. Tình yêu thương, khát vọng hạnh phúc vẫn mạnh hơn cái chết. Đó là ý nghĩa sâu sắc của nhan đề Vợ nhặt.      
. Đỗ Em
(*) Giảng dạy trong chương trình lớp 12.
(Báo Bình Định -
2/8/ 2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hình ảnh blog