Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN 12 NÂNG CAO

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I – (2009-2010)
Môn: Ngữ văn – lớp 12 (NC)
Thời gian làm bài : 90 phút (không kể phát đề)
Ngày kiểm tra : 25 - 12 - 2009

Câu 1 (2 điểm) : Nêu những đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ khoa học.

Câu 2 (3 điểm) : Viết một bài văn ngắn khoảng 300 chữ, trình bày cách hiểu của mình về mục đích học tập mà UNESCO đã nêu ra: Học để chung sống, học để tự khẳng định mình.

Câu 3 (5 điểm) : Tư tưởng nhân dân trong chương thơ Đất Nước – trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm.
----------------------------- Hết ------------------------------








ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN 12 (NC)
Thi học kì 1 năm học 2009-2010


Câu 1 (2 điểm):
1. Yêu cầu: Bài làm có thể diễn đạt theo những cách khác nhau miển là nêu được 3 đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ khoa học gồm:
a) Tính khái quát, trừu tượng ;
b) Tính lí trí, lô gic
c) Tính khách quan, phi cá thể.
2. Cách cho điểm: Mỗi ý (a,b,c) cho 0,5 điểm. Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn cho 0,5 điểm.

Câu 2 (3 điểm):
1. Yêu cầu: HS biết viết một bài nghị luận xã hội ngắn khoảng 300 chữ có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, không sai sót về lỗi dùng từ, đặt câu. Về nội dung cần nêu được các ý sau:
   a) Học để chung sống là học cách để chung sống với nhau, để hoà nhập với cộng đồng, biết sống vì nhau để cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển. Không ai có thể sống tách mình ra khỏi các mối quan hệ gia đình, xã hội nên việc cần thiết là phải có kỹ năng sống hòa hợp với cộng đồng. Học để cùng nhau chung sống được coi là một trụ cột quan trọng của giáo dục hiện đại giúp con người có thái độ hòa bình, khoan dung, hiểu biết và tôn trọng lịch sử, truyền thống và những giá trị văn hóa tinh thần của nhau.
   b) Biết chung sống cùng nhau là cả một nghệ thuật vận dụng hiểu biết vào thực tế, tìm ra cách ứng xử hợp lý trong từng hoàn cảnh nhất định. Muốn chung sống với cộng đồng con người phải nhận thức đầy đủ những giá trị cuộc sống hoà bình, hợp tác ; phải biết chấp nhận sự đa dạng, phải biết đoàn kết và tôn trọng lẽ phải ; phải chống lại sự kỳ thị và xung đột, phải có tinh thần tự chủ và sống có trách nhiệm với cộng đồng, với những giá trị văn hóa và với thiên nhiên. Tất cả những khía cạnh này là cần thiết cho sự phát triển bền vững của xã hội .
   c)Tự khẳng định mình là một nhu cầu tâm lý của con người, đặc biệt của giới trẻ để chứng minh giá trị của mình với mọi người. Khẳng định mình là khẳng định cái tôi cá nhân của mình, khẳng định sự tồn tại của mình trên đời này. Điều quan trọng nhất để khẳng định mình là ta phải có một nghề nghiệp, một công việc để qua đó chúng ta phát huy được năng khiếu, sở trường, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cống hiến cho xã hội.
   d) Học để tự khẳng định mình không phải là biểu hiện của lối sông cá nhân ích kỉ mà là động lực để con người thể hiện tài năng, trí tuệ của mình. Khẳng định mình không đồng nghĩa với tự kiêu, vô lễ hay hỗn láo.
2. Cách cho điểm: Ý a, b : 1,5 điểm . Ý c,d : 1,5 điểm. Chỉ cho điểm tối đa với những bài không mắc lỗi về diễn đạt, dùng từ.

Câu 3 (5 điểm):
1. Yêu cầu: HS biết viết một bài nghị luận văn học có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, không sai sót về lỗi đặt câu, diễn đạt. Về nội dung cần nêu được các ý sau:
   a) Tư tưởng nhân dân được hiểu là những quan điểm, quan niệm dựa trên lập trường của nhân dân. Tư tưởng nhân dân đã đem đến cho nhà thơ một cảm nhận về Đất nước thật tự nhiên, cụ thể, sinh động. Với N.K.Điềm, đất nước không ở đâu xa mà có ngay trong cuộc sống bình dị, gần gũi của mỗi chúng ta. Đất nước vừa hiện lên trong cái không gian gần gũi, riêng tư gắn liền với những kỉ niệm của mỗi người, vừa hiện lên trong cái không gian “mênh mông”, gắn liền với sự sinh tồn của cả một cộng đồng. Đất nước còn hiện hình trong suốt chiều dài của lịch sử. Đất nước không ở đâu xa mà kết tinh, hóa thân trong cuộc sống của mỗi con người
   b) Tư tưởng nhân dân đã chi phối cách nhìn của nhà thơ về vai trò của nhân dân trong việc làm ra Đất Nước này cả trên phương diện địa lí, lịch sử, văn hóa.
   c) Tư tưởng nhân dân cũng chi phối nhà thơ trong việc lựa chọn một hình thức thể hiện độc đáo cho đoạn thơ. Nhà thơ sử dụng chất liệu văn hóa, văn học dân gian để tạo ra một không khí, một giọng điệu riêng cho đoạn thơ.

2. Cách cho điểm:
- Mở bài 0,5 điểm ; kết bài 0,5 điểm
- Ý a : 1,5 điểm ; ý b : 1,5 điểm ; ý c : 1,0 điểm.
------------------------------ Hết ---------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hình ảnh blog